Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa hô ứng
cơ 機
AHV: ki, kê.
dt. <từ cổ> mưu, mưu tính trong cơ mưu (cơ = mưu), nghĩa này hô ứng với chữ “toan”. Thua được toan chi Hán Sở, nên chăng đành lẽ kiện Thương Chu. (Thuật hứng 58.3). Chuyện thua hay được thì tính toán làm chi đến cái mưu của hán của sở; thành hay bại cũng đành thuận theo việc nhà Chu thay nhà Thương.
day day 移移
◎ Phiên khác: dày dày (TVG,1956), dây dây (ĐDA 1976), “dày dày: ngời ngời” [PL 2012: 324, 329]. Xét, “dày dày” không thấy từ điển nào ghi nhận với nghĩa “ngời ngời”, chứng tỏ nghĩa này được dịch giả tự gán cho âm, bởi “dày” hoặc “dầy” nghĩa là “nhiều lớp”. Với âm “dầy dầy”, chỉ có nghĩa là “tiếng người đông chào rào” [Paulus của 1895: 218]. Mặt khác, âm “dày” thường được ghi bằng chữ Nôm “苔”. Chữ “移” có các âm phi Hán Việt là “dời” và “day”. “day: dời, trở qua, xây hướng. Day động: dời động, dây động”. Xét tự dạng, đây là một từ láy toàn phần, một kiểu láy phổ biến của giai đoạn thế kỷ XV, như “phơi phơi”, “tấp tấp”, “nồm nồm”, “pháy pháy”.
tt. HVVT <từ cổ> lay lay, khẽ đưa qua đưa lại. Môi son bén phấn day day, đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay. (Mạt lị hoa 242.1), chữ day day hô ứng với chữ đưa ở dưới‖ Chiếm được thiều quang chín mươi, day day hoa nở tốt hoà tươi. (Dương 247.2).
luỹ 壘
dt. bờ tường, bờ thành. Thục Đế để thành trêu tức, phong vương đắp luỹ khóc rân. (Điệp trận 250.6). Đây trỏ việc ong xây tổ. Vì đang nói đến “trận” của loài bướm nên dùng chữ “luỹ” để hô ứng, đây là thủ pháp chơi chữ hay thấy của Nguyễn Trãi.
lần từng đốt mới hay mùi 吝曾炪買咍味
đc. thời Tấn An đế có Cố Khải Chi 顧榿之 làm chức hổ đầu tướng quân, mỗi khi ăn mía, ông hay ăn dần từ ngọn xuống. Có người hỏi, ông đáp : ‘như thế càng ăn càng đi đến chỗ thú vị’ (theo Thượng hữu lục 尚友錄). Chẳng bèn dời chân tới vườn mía, bắt chước hổ đầu tướng quân vậy. (TKML q.iii, 40b). ở đây Nguyễn Trãi cũng chơi chữ khá vi tế. Chữ “thú” ở câu trên “ăn nước kìa ai được thú” hô ứng với chữ “mùi” (vị) ở dưới để nhắc đến hai chữ “thú vị” trong câu nói của Cố Khải Chi. Ăn nước kìa ai được thú, lần từng đốt mới hay mùi. (Giá 238.4).
nhờn 閑
◎ Phiên khác: nhàn (TVG, ĐDA), hèn (Schneider, PL). Nay theo MQL.
đgt. <từ cổ> lờn, khinh, trái với trọng, lưu tích còn trong từ khinh nhờn/ khinh lờn (khinh = nhờn). Bởi quan đú đởn cho dân nó nhờn. (Lý Hạng ca dao 3). Nay, “nhờn” mang nghĩa “cư cử thân gần quá mức”, như câu: nhờn với chó chó liếm mặt. Chuộng thì nên ngõ, nhờn thì dái, trật chẳng hề âu, được chẳng mừng. (Bảo kính 161.3). Câu này ý nói, khi được ân sủng thì người đời thấy mình thông minh tài giỏi, đến lúc thất sủng thì họ lại thấy sợ hãi. Ý này hô ứng với câu đầu trong bài “yêu nhục nhiều phen vốn đã từng”. đng mạt, lạt.
sàng 淙
◎ Nôm: 淙 AHV: tông, sàng. Xét tự dạng kỵ huý đời Nguyễn [NĐ Thọ 1997: 142].
dt. thác nước [Hán Ngữ Đại Tự Điển 1995: 1611]. “sàng vốn có nghĩa là dáng nước chảy (thuỷ lưu mạo) có hiểu như vậy mới tạo được sự nối kết với câu trên [Nguyễn Nam 1984: 48]. Thuyết khác cho rằng sàng là đồ để lọc rây hạt. lòng tựa sàng là cái lòng vô tâm của người theo tư tưởng lão trang, ví như cái sàng, để cho mọi sự mọi vật lọt qua hết, cũng như lòng hư không trống rỗng mọi vật đều không có ý nghĩa gì. [ĐDA 1976: 777]. Nhưng cách ví von này chưa thấy điển tương ứng trong kinh sách đạo gia. Hoặc có thể nghĩ theo hướng: chữ “sàng” là một chữ giả tá đồng âm với “sàng 牀” hoặc viết nhầm từ chính chữ 牀. Nếu thuyết này có thể chấp nhận được thì “lòng tựa sàng” nghĩa là “lòng cũng đã như cái ban thờ”, có phần hô ứng với ý “cảnh ở tựa chiền”. Quan thanh bằng nước nhà bằng khánh, cảnh ở tựa chiền, lòng tựa sàng. (Tự thuật 117.6).
sơ chung 初鐘
dt. tiếng chuông đầu tiên trong một đêm về sáng, là tên gọi khác của hoàng chung (黄鐘). Hoàng chung là một loại nhạc khí đời cổ, dùng trong miếu đường, ngoài ra còn là luật đầu tiên của nhạc luật cổ, nó là cơ sở, là chủ luật của các luật còn lại, chính vì thế hoàng chung còn được dùng để ví với bậc quân vương. Còn có một lòng âu việc nước, đêm đêm thức nhẫn nẻo sơ chung. (Thuật hứng 68.8). ở đây, chữ “sơ chung” dùng với ý song quan, vừa để trỏ tiếng chuông đầu tiên vừa để trỏ nhà vua, chữ này hô ứng với “âu việc nước” ở đâu thơ trên.